Tạp chí Hồng Lĩnh số 115 giới thiệu đến bạn đọc truyện ngắn: "Chuyện làng quê" của tác giả Đinh Quang Lân.
Làng ven sông co ro trong gió rét. Gió mùa đông bắc ràn rạt kéo về, làm cho con người và cảnh vật như co rúm lại. Đã thế, gió trườn qua sông La rộng gần ngàn mét, mang theo hơi nước mịn và ẩm làm cho cái rét chui vào làng như sâu hơn, thấu vào làn da, thớ thịt của mỗi người. Đã bước sang thềm tuổi 80, nhưng ông Á có một sức khỏe lạ thường. Ở tuổi đó mà ông Á còn nhanh nhẹn lắm. Nước da đen bánh mật, mái tóc trắng như cước, trí nhớ ông còn đặc biệt chính xác nữa... Với những đặc điểm ấy cộng với tuổi bát thập của ông, bà con trong làng quý ông về nhiều mặt, nên thường gọi ông là lão - Lão Á !
Bảy mươi chín mùa Xuân đã đi qua cuộc đời, nhưng lão Á mới đến bệnh viện huyện một lần, lão đi bệnh viện không phải vì ốm đau, bệnh tật. Lão đi bệnh viện là bị động đến mức tréo ngoe do người nhà của lão chẩn đoán… nhầm! Cả làng Khá, từ già đến trẻ, ít nhất một lần nghe lão tuyên bố: “Cuộc đời của lão không cần bác sĩ, không cần bệnh viện”!.
Bạn đang xem: Truyện ngắn quê chồng
Nghe tuyên bố như thế, nhiều người trong làng đã mạnh mồm nói lão hâm! Lão có tuyên bố như thế thật, nhưng lần này thì con cháu đã phải khiêng vào bệnh viện vì phát hiện lão nôn mửa ra máu!
Sau gần một đêm nằm bệnh viện, 4 giờ sáng hôm sau, lão đã trốn bệnh viện bỏ về. Đêm mùa đông sương giăng ướt sũng, lão bước vào nhà làm cả nhà tỉnh giấc. Con cháu thấy lão lọ mọ dựng cái bình thủy vào góc giường, đã tá hỏa tam tinh vì sự đường đột của lão. Vợ lão – Bà Mính dục con trai ra bệnh viện lúc mờ sáng, để có lời xin lỗi các bác sĩ và xin làm thủ tục thanh toán viện phí cho lão.
Trời sáng hẳn. Từng đàn chim chìa vôi đã nhún nhảy tìm mồi trên những luống đất cày, như có ý chào mừng một ngày mới. Khi đã ăn xong một chén cơm, uống ba cốc nước chè xanh thơm lựng. Tỉnh táo hẳn, lão mới phân bua:
Chập tối qua, lão uống rượu và ăn tiết canh heo với mấy tay trung niên ở xóm Ngoài. Vui bạn, lão uống hơn chục ly rượu. Dọc đường về nhà, lão cảm thấy bước đi của mình loạng choạng. Lên giường nằm ngủ, do say rượu nên lão nôn thốc, nôn tháo ra cả nền nhà. Dưới ánh đèn mờ đục, vợ con lão ngỡ nôn ra máu, “chẩn đoán” xuất huyết dạ dạy! Nguy hiểm quá! Vội vàng hốt lão lên xe máy, chở đến bệnh viện cấp cứu.
Lão say bí tỷ. Vợ và các con lão thì chẩn đoán nhầm, lão lẩm bẩm: “Thật ngớ ngẩn, đã tốn tiền lại còn mang tiếng ốm đau, phải vào viện cấp cứu”. Chừng non ba giờ sáng tỉnh rượu, lão tu một hơi hết gần hai lít nước. Một bụng nước sôi nguội làm lão mát hết cả người. Tỉnh táo hẳn, lão lặng lẽ rời bệnh viện, đi bộ về nhà. Lão có ốm đau gì? Tại vợ con lão hoảng loạn mà làm ầm ĩ cả một góc làng.
Lão là người dễ tính, dễ gần. Cả làng Khá, hễ bất cứ nhà ai, giàu hay nghèo, có đám đông, có công việc vui, buồn lão đều có mặt. Những gia đình có mời, lão đến đã đành. Nhiều gia đình không mời, lão cũng đến cho vui hoặc cho gia chủ bớt buồn! Tự nhiên lắm! Lão đã già. Chân tay lão vụng về nên không giúp được một công việc nào cho gia chủ. Nhưng, lão có “sức mạnh” tự cái miệng, từ cái âm thanh phát ra mỗi khi đã cho một li rượu vào người. Cả đám đông lao động, nếu có lão nói chuyện, thì vui nhộn cả một góc làng, quên đi nỗi vất vả, mệt nhọc và đói bụng. Đặc biệt, các bữa tiệc, uống rượu mà thiếu lão thì mất vui! Điều này được cánh trung niên trong làng xác nhận.
Thời nay, làng Khá ngày nào chẳng có rượu! Việc lớn thì hết vài can loại 20 lít, việc bé cũng hết chục chai. Nếu không có việc vui, việc buồn, thì cánh trung niên cũng lai rai vài chai vậy. Uống rượu vui đến là vui thì chẳng có lí do gì lão Á lại không có mặt!
Khi đã cho vài li rượu đế vào dạ dày thì lời của lão tuôn ra như nước suối giữa mùa mưa! Lão có ưu điểm, dù có nói nhiều, nhiều đến mức không ai ngăn cản được, thì rất ít khi lão nói sai, hoặc đụng chạm đến tổ chức, cá nhân nào đó. Lão nói: “Lão thuộc trên vài ngàn bài thơ, thuộc lòng Truyện Kiều. Với 3254 câu Kiều, hỏi câu nào? Vào bất cứ thời điểm nào trong ngày? Lão đều nhớ chính xác. Lão tương đối thông chữ Hán, nên bình Kiều, lẫy Kiều thật hay. Lão đọc:
“Cảo Thơm lần giở trước đèn
Phong tình cổ lục còn truyền sử xanh”.
Tại sao tôi lại đọc câu thơ này của Nguyễn Du. Một câu thơ rất gợi không khí. Nó tỏ ra một tư thế, phát ra một dáng điệu. Đọc thơ Kim - Thơ hiện nay, tôi muốn đốt một lò hương thơm, trong đó có một mùi vị gì trường cửu. Khi nói đến thời gian, tôi muốn dựa vào tất cả thời gian, tôi muốn gắn liền với tuyển tập. Cảo Thơm, tức là pho sách hay; lần giở trước đèn là những ngón tay của mình đính hương với những trang vẫn hợp và đúng. Phong tình cổ lục còn truyền sử xanh - tức là pho tình sử của ngày xưa để lại cho các thế hệ mai sau.
Vì lão thuộc nhiều thơ như thế, khi có vài chén rượu vào là… thơ ra ngay! Khi lão “nổ” chuyện thơ thì khó ai ngăn cản “cái mạch” của lão. Lão nói có chút tự hào: “Đời người, một thằng đàn ông như lão, cuộc đời giằng dặc với 79 mùa xuân đã đi qua, mà chỉ say rượu một lần cũng chưa có gì đáng trách lắm! Không biết xã hội và những người phụ nữ khác thì sao? Còn vợ tớ - Bà Mính thường “biểu dương” tớ mỗi khi nặng lời nhắc nhở bốn đứa con trai đã trưởng thành: “Chúng mày uống rượu phải có chừng. Học lấy bố mày. Cả đời không say rượu…”.
Sau “chương trình” đọc thơ, bình thơ, lão nói chuyện xa lắc, xa lơ, thời lão đi bộ đội. Năm 1956, khi vừa tròn 20 tuổi, lão Á là một chàng sinh viên đẹp trai, hào hoa khóa đầu tiên của một trường đại học danh giá ngoài Hà Nội. Đang là sinh viên năm thứ hai, chịu đói và nhịn ăn sáng không quen, lão bỏ học đi làm công nhân “tay ngang” tại một bến phà trên tuyến sông Hồng. Được ba tháng, không quen việc cực khổ, lão bỏ sông nước về quê. Lão là con út trong một gia đình chuyên sản xuất giấy và hàng mã. Gia đình bố mẹ lão có hẳn một chiếc thuyền gỗ vào loại lớn, chuyên chở giấy, hàng mã và các loại hàng hóa khác từ thị trấn Đức Thọ ra Vinh và ngược lại trên sông La và sông Lam. Bà con địa phương thường gọi là: “buôn bán theo đò dọc”.
*
* *
Cuộc sống đang yên bình thì chiến tranh phá hoại bằng không quân của Hoa Kỳ leo thang ra miền Bắc. Nhà lão và cả làng Khá phải rời quê sơ tán lên vùng núi, mạn Hương Sơn, Hương Khê hoặc vùng thượng của huyện để tránh bom, đạn của giặc Mỹ. Chiếc đò dọc thân thương ngày nào chở khẳm hàng xuôi ngược con sông quê, giúp chủ kiếm được nhiều tiền, nay úp mình nằm buồn bả bên chân đê La Giang no mưa, no nắng…
Từ ngày bỏ giảng đường đại học, rời bỏ sông nước sông Hồng trở về quê, gần như năm nào, người thanh niên Võ Á cũng có danh sách đi tuyển nghĩa vụ quân sự. Do nhỏ con, nên kết quả khám tuyển lần nào bác sĩ cũng xếp sức khỏe của Á loại B, thậm chí còn xếp ở mức B3, B4….
Mãi đến cuối năm 1967, khi nhà nước và quân đội ta chuẩn bị mở chiến dịch Xuân Mậu Thân năm 1968, thì ước mơ trở thành anh bộ đội của Á mới trở thành hiện thực, dẫu rằng tuổi đời của Á lúc này đã ngoài 30. Về phía cá nhân, Á phải thầm cảm ơn cái lệnh “Tổng động viên” năm ấy!
Sau ba tháng huấn luyện cấp tốc ở thao trường, anh lính Binh nhì Võ Á có mặt trong đội hình hành quân vào chiến trường miền Nam. Chẳng biết Võ Á đánh giặc giỏi đến đâu, nhưng khi nói đến địa danh nào, chiến trường nào của Thừa Thiên - Huế; ở Quảng Trị, hay ở miền Trung của Lào, thì Võ Á đều biết. Không những biết mà Á còn biết tường tận cả những chi tiết nhỏ. Nào là: Tà Cơn, Dốc Miếu, Thành Cổ; nào Bãi Ổi, Bãi Săng, rừng Thông, dốc Năm Thang, dốc Cù Bai, Cù Bạc, trạm phẩu T2, kho xăng T4; nào Bản Na, Bản Kéo, Bản Bông; nào Bắc Xòong, Bắc Xế, Nha Hớn, Mường Phìn; Nào sông Sê Rê Poock, sông Đăck Krong, sông Sê Bang Hiêng…
Võ Á chỉ đi bộ đội tổng cộng 5 năm, trong đó được ra Bắc, về nhà tới hai lần. Thế hệ trẻ bây giờ ngồi nghe lão kể chuyện đi bộ đội, chuyện chiến đấu với giặc Mỹ thì khoái lắm. Lão kể trơn tru, nghe chừng “khoái khẩu” lắm. Bọn trẻ hoặc người không đi bộ đội nghe thì khoái tai vô cùng. Tuy vậy, khi Võ Á đang cao hứng, hễ có ai cùng thời đi bộ đội với lão thì lão im ngay, giống như Đài phát thanh mất điện hoặc lão chuyển sang đọc thơ…
Cho “thêm xăng vào máy”, lão “nổ” chuyện tình của lão cho thiên hạ nghe: “Đã bước sang tuổi 35 trong một dịp cuối mùa khô vắt sang mùa mưa. Lão được cấp trên cho về nhà trong năm ngày. Chỉ 5 ngày thôi, tớ cưới được vợ, tớ gieo giống và lên mầm, thế mới đáng nói, đáng tự hào là khác”.
Xem thêm: Cục Chuyển Điện 220V Sang 100V, 110V Chất Lượng Tốt Nhất Hiện Nay
Lão kể: “Ngày thứ nhất, nhờ thằng em con nhà chú dẫn đi tán gái, gặp Mính, người Kẻ Trổ. Ngày thứ hai, một đoàn bố mẹ và anh em họ hàng nhà mình “ra mắt” nhà gái và bàn chuyện hỏi, cưới. Ngày thứ ba tổ chức lễ cưới. Tối đến, hai vợ chồng chăm chú làm đất và gieo giống. Ngày thứ tư: Cả hai vợ chồng trở về quê ngoại. Ngày thứ năm, tra giống xong mình vác ba lô trở lại đơn vị…
Dọc đường hành quân về đơn vị, Võ Á nhớ lại: “Ngày đầu nàng đã xiêu lòng, mình cảm thấy hạnh phúc. Người con gái tên Mính khi cầm chiếc đèn dầu hỏa đi xuống bếp giúp mẹ nấu cám cho heo ăn, thân hình nàng thật cân đối, phát ra một sức hút thật mạnh mẽ và kì diệu. Nàng mặc bộ quần áo vải lanh, in hoa nền nả, như tôn thêm những đường cong gợi cảm. Á đã mấy lần chực đứng dậy như muốn vồ lấy, ôm Minh vào lòng. Đêm tán gái thứ nhất kết thúc. Á cùng thằng em con nhà chú đã 23 tuổi - Nó tựa như nhịp cầu nối đôi bờ sông bấy lâu còn cách trở. Hai anh em đạp xe thong thả trên triền đê. Trăng thượng huyền đã gác núi giăng màn. Gió mơn man. Á nghe nhỏ từng tiếng sóng của nước sông La ì oạp vỗ nhẹ vào bờ.
Đặt ba lô xuống bên vệ đường, rút bình tông ra uống vài ngụm nước, Á nhớ về người vợ của mình mồn một trong mạch tư duy. Ngày thứ hai, Lão Kể: Mặt trời lên cao. Cái nắng chói chang lóa cả mặt nước sông La xanh thẳm. Nắng len qua những cành lá trùm lên dàn hoa Thiên lý trước ngôi nhà. Khắp người đẫm mồ hôi, Á tỉnh dậy và nhận ra trời đã sắp trưa. Dưới bếp, mẹ Á đang đun nấu. Mùi khói bếp bốc lên, tỏa khắp căn nhà làm anh cảm thấy ấm cúng lạ thường. Cơm đã chín. Mùi cơm thơm, mùi canh và mùi của thức ăn mặn bốc lên mới quyến rũ làm sao! Vội vàng lùa mấy bát cơm vào bụng, Á một mình đạp xe và gần chục người thân xuống Kẻ Trổ…
Mang ba lô dọc đường về đơn vị, việc cưới vợ như cuốn phim quay chậm - Lão nhớ lại.
Ngày thứ ba - Chỉ một đêm trước đó chuẩn bị, Á đã quần áo bảnh bao, leo lên xe đạp cùng mấy chục người khác rồng rắn, tay xách nách mang xuống Kẻ Trổ rước Mính về làm vợ đúng giờ Ngọ…
Minh họa: Tuấn AnhNgày thứ tư và ngày thứ năm - Á nhớ lại - Chỉ có ba đêm hai ngày, vợ chồng sống bên nhau, chăm chút nhau, gieo mầm, đúc hạt… Nghĩ đến đó, con đường về đơn vị như ngắn hơn.
Sau hơn 3 tháng xa nhà, một buổi chiều khi trận đánh kết thúc, vui nhất là đơn vị không ai thương vong. Bên mé đồi đầy sim và mua. Bao la những cánh hoa sim tím ngát tận chân trời, nghe đâu đây thoang thoảng mùi ngọt của lứa quả chín đầu mùa, làm cho tinh thần của bộ đội có phần thư giản hơn. Anh quân bưu vui tính xuất hiện mang tin vui cho một số cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị. Ngồi bên bìa rừng, dưới lùm hoa mua đung đưa trước gió, Á hồi hộp đọc thư vợ. Mính - người vợ yêu quý của Trung sĩ Võ Á tâm sự bao nhiêu chuyện. Nhưng vui nhất, quan trọng nhất là chỉ còn khoảng 6 tháng nữa thôi Á sẽ được làm bố…
Tợp thêm một ngụm rượu, nhìn vào cõi xa xăm trên đỉnh Trường Sơn, nơi ấy có mây bạc và gió ngàn, như thức tỉnh trong con người của lão về một thời trận mạc. Đôi mắt màu nâu của Lão đã bước vào tuổi 80 mà bác sĩ kết luận độ sáng 9/10 trong một buổi kiểm tra sức khỏe định kỳ cho người cao tuổi trong xã. Đôi tai tinh tường, hai hàm răng tuy đã ố vàng của lão còn chắc và khỏe.
*
* *
Sau khi biết tin “cái hạt” mình deo đã nảy mầm có kết quả, Á phấn khởi lắm. Cũng sau tin vui đó, biết bao gian lao, thử thách là hàng trăm cuộc hành quân của Á và đồng đội khắp cả dãy Trường Sơn.
Một hôm trời đã nhá nhem tối, khi đơn vị hành quân qua đường số 9, dự kiến tập kết đơn vị tại Mường Phìn, củng cố đơn vị để chuẩn bị cho một đợt chiến đấu mới. Trung đoàn nhận được tin: Bọn địch giáp biên giới Thái Lan đã di chuyển đến vùng Bắc xòong, Bắc Xế, bọn địch hành quân dọc sông Sê Bang Hiêng để đánh vùng Sê Pôn cùng với ngã ba Lao Ngam…
Sau gần một tháng chuẩn bị chiến trường, lão Kể: Một đêm mưa ngàn xối xả. Nước ở dòng sông Sê Bang Hiêng “chảy đứt đuôi rắn”, đơn vị của lão được lệnh đánh úp vào chỗ đồn trú của hai trung đoàn địch ở khu vực Nha Hớn. Sau gần hai giờ nổ sung, đơn vị đã tiêu diệt một tiểu đoàn địch. Bộ đội ta hi sinh 12, bị thương trên 30 chiến sĩ. Đã tạnh mưa, nhưng lúc này trời hãy còn tối. Đơn vị tập trung lo công tác thương binh, tử sĩ. 12 cán bộ, chiến sĩ hi sinh được gom lại, để các Liệt sĩ trên ngon đồi cao. Các anh nằm đó, nghe gió hát điệp khúc của núi rừng mãi đến ngàn năm. Trong trận đánh Nha Hớn, người chiến sĩ bắn AK điểm xạ nhất trung đội, Trung sĩ Võ Á bị đạn giặc bắn vào đùi, bay đi một mảng thịt to hơn bàn tay làm anh đau đớn…
Tạm biệt Nha Hớn, nơi có dòng sông Sê Bang Hiêng, quanh năm nước chảy một chiều. Tạm biết những đêm mưa rừng dai dẳng. Á cùng đơn vị hành quân về đồn trú vùng Cù Bai, Cù Bạc gần bản Xa Ki. Tại đây, những em gái dân tộc Tà Ôi, Vân Kiều,… là những thanh niên xung phong, những y tá đã ngày đêm tận tình chăm sóc vết thương cho các anh bộ đội. Có dễ đến hơn ba tháng sau, tạm biệt “trạm phẫu” bờ Nam, tạm biệt các y bác sĩ và những em gái Tà Ôi, Vân Kiều, Trung sĩ Á cùng một số thương binh khác trở về đơn vị chiến đấu. Hành quân qua bãi Ổi mênh mông nắng và mênh mông gió. Ổi chín vàng lúc lĩu trên những ngọn cây. Bãi Ổi rộng mênh mông có dễ đến vài trăm hecta toàn ổi. Ổi chênh chao trong nắng, trong gió. Mùi hương của ổi thơm mãi, quấn quýt trong chân tóc, đọng lại dưới ngôi sao trên vòm mũ.
Hơn một ngày hành quân, Á cùng đơn vị dừng chân dưới con dốc Năm Thang. Dốc Năm Thang cao vời vợi, núi liền núi điệp trùng. Như để vượt “dốc Năm Thang” của tuổi già, lão Á tợp thêm một ngụm rượu và nhớ lại: Bộ đội hành quân muốn qua dốc Năm Thang phải vượt cả chục ngọn dồi thoai thoải, phải qua rất nhiều khe suối và hàng chục cái ngầm, nước trong vắt qua gối. Cả dãy núi non điệp trùng ấy, có 5 cái dốc. Đúng hơn là 5 bức vách gần như dựng đứng, người thường không thể vượt qua. Khen cho bộ đội công binh. Mỗi con dốc ấy, bộ đội công binh phải làm một cái thang bằng dây dù hoặc dùng một cây gỗ dài cưa thành hàng chục cái bậc, tạo thành cái thang dựng vào vách núi. Đã là bộ đội Trường Sơn, có lẽ ai cũng ít nhất một lần đi qua hoặc nghe nói tới biệt danh: Dốc Năm Thang.
Cho thêm “xăng vào máy”, nheo nheo đôi mắt nâu về phía chân trời, lão thở ra khoan khoái và kể: Một hôm, Á dẫn đầu cùng hai chiến sĩ được đơn vị phân công vào rừng tìm rau cải thiện. Khi chúng tôi đang mãi mê hái rau “Tàu bay” và khế rừng dưới chân dốc Cao Bồi, bất chợt từng tốp máy bay trực thăng - Bộ đội ta thường gọi là “Tàu rọ” hoặc “Cán gáo”. Lão giải thích, quân địch từ phía Đông bay đến làm nhiệm vụ tuần tra, phát hiện việt cộng. Cánh quạt của trực thăng tạo nên gió cấp 12 hoặc hơn thế nữa, làm cho cây cối ngã nghiêng. Rất may, cả 3 chúng tôi nằm dưới bụng một cây gỗ khô bắc qua lòng suối. Thân cây gỗ có đường kính dễ hơn 2 mét, nên bọn địch không phát hiện ra. Hết đợt tuần tra của địch, chúng tôi ghé vào Bản Bắc, gần mé dốc Cao Bồi. Bản Bắc có gần 15 nóc nhà, toàn bà con là dân tộc Vân Kiều. Được bà con Bản Bắc giúp đỡ, cả ba chiến sĩ trở về đơn vị an toàn; trên vai nặng trĩu rau và một ít thực phẩm do bà con tặng…
Cho thêm “xăng vào máy”, lão Á say sưa đọc thơ, say sưa kể hàng loạt chuyện ngày xưa cho đám trẻ trong làng nghe. Chúng thích lắm! Bất chợt cu Bi đã 16 tuổi, năm nay lên lớp 11 đặt cho lão một câu hỏi mà cả đám bạn xung quanh ít ai ngờ.
- Nếu Trung Quốc thiếu thiện chí, thậm chí ngang ngược hạ đặt dàn khoan HD 981 trái phép vào vùng biển nước ta. Nếu Trung Quốc lấn chiếm biên giới, thậm chí phát động cuộc chiến tranh trên bộ… thì lão có thể làm gì?
Chưa bao giờ thấy cặp mắt nâu của lão lại hiền đến thế, âu yếm nhìn hết lượt các cháu ngồi xung quanh, dừng lại ở cu Bi, lão thong thả:
- Trong lịch sử dựng nước mấy ngàn năm, có dễ đến chục cuộc người phương Bắc tiến đánh, xâm lấn, xâm lược Việt Nam có lần nào ta thua đâu? Lịch sử ghi lại tinh thần yêu nước của ông cha ta từ trước tới nay thật tuyệt vời. Thậm chí trên cả tuyệt vời. Thế hệ trẻ các cháu lo và có ý thức bảo vệ nền độc lập của dân tộc ta như thế là tốt. Lão khen các cháu, lão có chết, lão cũng mãn nguyện lắm rồi. Lão năm nay lên thềm 80 tuổi, lão làm được gì ư? Nếu thật như cháu nói, Tổ Quốc lâm nguy và cần thì lão lại xin vào bộ đội!
- Già rồi! Đã 80 tuổi có cho lão đi theo còn chẳng kịp! huống chi đánh giặc - Lũ trẻ lao nhao phản đối “cái xin” của lão.
Nhìn vòng tròn hết lượt các cháu, lão ôn tồn:
- Các cháu nói đúng. Phản đối là đúng. Nhưng sinh thời bác Hồ dạy: “… Tuổi nhỏ làm việc nhỏ/Tùy theo sức của mình/ Mà tham gia kháng chiến…”. Lão nay đã già, chân tay yếu, mắt mũi kém tinh thông, không trực tiếp cầm sung đánh giặc, thì lão đọc thơ, bình thơ động viên bộ đội. Cấp trên có thể tin tưởng giao nhiệm vụ cho lão trông coi kho, hàng, vũ khí…. Nào! các cháu có đồng ý với lão hay không?
- Đồng ý! Hoan hô lão Á! - Lũ trẻ nhao nhác trả lời.
Lão Á nheo nheo đôi mắt. Ánh nâu của cườm như dọi vào các cháu một tia sáng mênh mông. Nếu các cháu đồng ý thì các cháu cùng lão thi đua - Lão nói: Trước mắt, cả lão và các cháu cùng đọc lại, đọc kỹ lịch sử dân tộc. Riêng các cháu còn thêm nhiệm vụ học giỏi, rèn luyện đạo đức, sức khỏe cho tốt….
Chia tay các cháu, tợp thêm một ngụm rượu, lão Á thong thả đi về phía chân trời…